Khi việc học và ngồi trước bàn học của trẻ trở nên nhàm
chán. Chúng ta có thể làm gì nào? Khải Minh chuẩn bị bước vào lớp 1, thỉnh thoảng ngồi kèm con
học thuộc, thấy cuối giờ học, con khá căng thẳng, nhiều lúc tập trung để nhớ
bài mà vã hết cả mồ hôi. Rồi những khi lỡ đọc sai, không nhớ bài phải đọc lại từ
đầu và việc tiếp thu tại bàn học cũng không còn hiệu quả nữa. Thế là người mẹ
ngày xưa "sợ" đi học nhất đời, bèn nghĩ cách để bạn ý học ôn theo một
cách khác: Thay vì phải học và để người khác dạy, giờ bạn ấy sẽ là người dạy
nhé!
Dưới đây là một số cách để gia tăng sự thích thú cho trẻ
trong việc học mà mình lượm lặt, ghi chép được, các bố các mẹ thử tham khảo xem
sao.
1. Không ép trẻ học với cường độ cao đột ngột:
Khi trẻ đang quen vui chơi và tự do thoải mái, chưa có thói
quen học tập, ăn ngủ đúng giờ thì bố mẹ cũng không nên ép trẻ đi vào nền nếp,
quy củ ngay lập tức. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ và với những thói quen, sở
thích của trẻ. Đó có thể là được ăn quà sau bữa cơm, được xuống sân chơi vào 9h
sáng thứ 7, được đến khu vui chơi trẻ thích mỗi chiều Chủ nhật, được xem hoạt
hình 15 phút trước khi đánh răng đi ngủ… Từ các sinh hoạt thường ngày nếu trẻ
đã quen với kỷ luật thì việc học trẻ cũng sẽ thích ứng khá nhanh.
Thời gian đầu, cha mẹ cũng cần trò chuyện, động viên, dành
thời gian học cùng con, tạo những liên hệ, liên tưởng lý thú để trẻ có tâm thế
hào hứng. Không nên cứng nhắc, bắt ép trẻ mà cần nhẹ nhàng khuyên bảo, đưa ra
các hình thức khuyến khích để trẻ thấy việc đi học như là cuộc vui chơi, là quyền
lợi chứ không phải nghĩa vụ của mình.
2. Cho trẻ tự chọn môn học ưa thích:
Cùng con lập thời gian biểu hợp lý. Thời gian học không nên
kéo dài quá khiến trẻ chán học. Cha mẹ có thể kích thích trẻ bằng việc để trẻ tự
chọn môn học ưa thích, cho con làm những bài tập dễ trước, sau đó mới đến những
bài khó.
3. Kết hợp học và chơi:
Có thể đan xen việc nghỉ ngơi, vui chơi với việc học để giúp
trẻ có sự thư giãn trong học tập. Lý tưởng nhất là học theo một cách thức nhẹ
nhàng, vui vẻ, học mà chơi, chơi mà học. Với học sinh tiểu học, cha mẹ không
nên ép con học ở nhà quá nhiều vì hiện các con đã học 2 buổi/ngày ở lớp, nếu bắt
học nữa thì sẽ quá tải.
Trẻ không được vui chơi, vận động sẽ sinh ra khó chịu, bứt rứt,
cáu kỉnh, mất hứng với việc học, lười học. Bằng sự sáng tạo của mình cha mẹ có
thể biến việc học thành những trò chơi, như trò chơi bán hàng sẽ dạy con học
toán, các con số, phép cộng trừ rất nhanh qua việc mua hàng, bán hàng, trả tiền
thừa… Hoặc trò chơi dạy học, sẽ giúp trẻ ôn luyện lại bài học rất tốt.
4. Dành nhiều thời gian cho trẻ:
Chẳng có gì bằng việc cha mẹ dành nhiều thời gian cho trẻ.
Khi chúng ta đủ yêu thương, quan tâm con, chúng ta sẽ biết điều gì tốt nhất cho
con mình. Việc cha mẹ dành nhiều thời gian chơi với con, trở thành bạn của con
sẽ rất hữu ích và khiến trẻ hợp tác khi cha mẹ giúp trẻ học tập.
Cha mẹ cũng nên tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên
tiến, biểu thị sự tôn trọng trẻ và tạo cho trẻ ý thức, thói quen tự lập ngay từ
nhỏ. Khi trẻ biết cách sắp xếp thời gian học tập, vui chơi, biết giúp đỡ bố mẹ
các công việc nhỏ trong gia đình… thì tính trách nhiệm với bản thân, với người
khác của trẻ cũng sẽ dần được nâng cao.
5. Cùng con tạo không gian học tập ưa thích:
Hãy cho trẻ tự chọn và trang trí góc học tập theo ý thích. Một
góc học tập đủ ánh sáng, thoáng mát, có màu sắc dễ chịu, không bày biện nhiều đồ
đạc gây mất tập trung như (đồ chơi, sticker, gương...) sẽ giúp trẻ thoải mái
khi ngồi vào bàn học.
Cha mẹ chỉ cần hướng dẫn trẻ, cùng con dọn dẹp lại góc học tập
cho thật gọn gàng, sạch sẽ sau mỗi giờ học để tạo lập thói quen cho con. Góc học
tập nên có thêm thời khóa biểu để trẻ nắm được lịch học của mình.
6. Nêu gương tốt:
Bản thân cha mẹ phải là tấm gương cho con vì rất nhiều hành
vi trẻ học từ cha mẹ. Cha mẹ làm việc, học tập nghiêm túc, ít nhiều sẽ ảnh hưởng
đến con. Vd: mỗi buổi tối khi con học bài, cha mẹ ngồi làm việc hay đọc sách để
trẻ thấy được điều đó và dần dần hình thành thói quen tự học mà không cần phải
nhắc.
Cha mẹ tuyệt đối không nên nói chuyện quá to, vui đùa với
em bé, ngồi xem tivi trong lúc con học sẽ làm bé mất tập trung và cảm thấy đơn
độc, ghen tỵ vì mình phải học trong khi mọi người ngồi chơi. Ngoài ra, cha mẹ
có thể kể cho trẻ nghe những câu chuyện về lòng hiếu học, về các nhà khoa học,
các cống hiến và phát minh vĩ đại… để thấy hứng thú, lợi ích của việc học tập…
7. Động viên, khích lệ trẻ:
Cha mẹ không nên chỉ nhắm vào những điểm chưa tốt của trẻ mà
cần phát hiện ra những ưu điểm, những tiến bộ để khen ngợ, khích lệ trẻ kịp thời.
Vd: bố mẹ có thể khích lệ trẻ, bằng cách nói: “Bố mẹ biết con có thể làm được
mà, con hãy cố gắng lên"…
8. Không đánh, mắng trẻ:
Việc cha mẹ khi thấy con lười học liền đánh mắng, dọa dẫm, xử
phạt thân thể với trẻ. Điều này là sai lầm vì dễ dẫn đến việc trẻ không muốn
đi học, sợ giờ học vì đó là lúc trẻ dễ bị bố mẹ tổn thương. Khi bị bố mẹ đánh,
trẻ sẽ rơi vào nguy cơ căng thẳng, vô tình tạo ra sự chống đối ở trẻ.
Nếu bố hoặc mẹ khi không còn đủ kiên nhẫn để học cùng con
thì nên đổi người khác vào thay, đến khi bình tĩnh trở lại mới nên gần trẻ. đừng
để sự khó chịu, ức chế của mình ảnh hưởng đến trẻ.
0 Nhận xét
Post a Comment